Công ty Amazon Web Services, gọi tắt là AWS, là công ty thành viên của Amazon, cung cấp các dịch vụ đám mây như các nền tảng, hạ tầng, các hàm API cho tới trí tuệ nhân tạo. Năm 2019, AWS lần đầu tiên tổ chức cuộc thi AWS DeepRacer League trên phạm vi toàn thế giới dành cho sản phẩm xe đua mô hình mới có tích hợp chức năng tự vận hành bằng trí tuệ nhân tạo. Kết quả cuộc thi xem tại đây.
Với mục đich khảo sát cho kì thi năm sau, AWS đã tổ chức cuộc thi AWS DeepRacer tại Techfest Vietnam 2019 ở Cung cá heo, Hạ Long, Quảng Ninh. Cuộc thi đã thu hút 12 đội đua đến từ các SV của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù chỉ là cuộc đua thử nghiệm, kết quả thi của các SV Bách Khoa đã khiến toàn bộ AWS vô cùng rất ấn tượng. Với thời gian chuẩn bị không quá 1 ngày, SV Bách Khoa đạt kết quả tương tương hoặc tốt hơn so với các nhóm khác trên thế giới được chuẩn bị trong nhiều tuần.
Bài viết liên quan trên website trường: https://www.hust.edu.vn/tin-tuc/-/asset_publisher/AKFI5qRls1e8/content/techfest-vietnam-2019
Để tiện so sánh, xin trích dẫn thông tin thời gian của đội vô địch Paris là 13.9 giây, của đội vô địch Cape Town là 9.978 giây, của đội vô địch Hồng Kông là 8.648 giây, của đội vô địch Tokyo là 7.44 giây và cũng là nhanh nhất thế giới.
Lịch trình cụ thể như sau:
Chiều ngày thứ tư 4/12/2019, các SV Bách Khoa có tại tại phòng hội thảo để được tập huấn về các tính năng trí tuệ nhân tạo của xe. Quả thực, đây là một hệ thống xe tự hành rất phức tạp với bộ xử lý Intel Atom, hệ điều hành Ubuntu, cùng với camera và các hệ cảm biến gia tốc và phương vị khá phức tạp. Nền tảng trí tuệ nhân tạo cùng với các mô hình giả lập và huấn luyện đã triển khai trên dịch vụ đám mây của AWS, nhưng gần 120 phút mà các chuyên gia cũng chỉ giới thiệu sơ lược được một phần các tính năng chính của hệ thống. Rất vui vì được tiếp cận các công nghệ mới chuyên nghiệp, các SV Bách cũng khá lo khi mà chỉ có thời gian 1 đêm để vừa học vừa lập trình và huấn luyện trí tuệ nhân tạo.
Ngay sau đó, các SV nhanh nhóng trải nghiệm thực địa đường đua, và nghe tiếp các hướng dẫn để triển khai thuật toán trí tuệ nhân tạo trên xe đua mô hình.
Sự lo lắng ban đầu gần như tan biến. Các SV hết sức tập trung lắng nghe. Do thời gian có hạn, các em ghi hình lại toàn bộ để tiện xem lại vào buổi tối.
Một đêm duy nhất để các nhóm tìm hiểu và lập trình cho xe tự hành. Phần cứng, phần mềm, điện toán đám mây…. Một lượng kiến thức và khối lượng công việc hết sức lớn đến mức ngay cả ban tổ chức AWS cũng lo lắng và dự tính cho một kế hoạch dự phòng khác.
Một ngày mới bắt đầu. Thứ năm, 5/12/2019, các SV hứng khởi tới Cung cá heo để bắt đầu vào lượt đua vòng đua sáng. Nhìn qua những gương mặt ràng ngời này, không ai nghĩ rằng họ vừa trải qua một đêm không ngủ để lập trình. “Không sợ khó, chỉ sợ không có đam mê”. Những con người này đã chứng minh được họ có động lực và đam mê, có khí chất Bách Khoa để vượt qua mọi thách thức.
Các nhóm cố gắng chọn một cái tên thật hot và đăng kí thi. Gâu Gâu, BK_Philosophers, Tesla, Error 404, Quả Dứa.. những cái tên rất cá tính của từng đội.
Các nhóm thảo luận và chỉnh sửa lại các model huấn luyện để cải thiện tốc độ và độ chính xác. Mỗi vòng đấu là một lần chỉnh sửa. Khi ban tổ chức gia hạn thêm một lượt sửa nữa, không nhóm nào bỏ cuộc.
MC phỏng vấn từng đội sau khi hoàn tất bài thi
Và kết quả cuối cùng đã có
Đội SONIC được trao giải vô địch. Cả hai đội nhất và nhì đều được ban tổ chức AWS phỏng vấn thêm để tìm hiểu nguyên nhân tại sao có thể đạt thành tích cao trong thời gian ngắn như vậy. Hết sức ngạc nhiên, hết sức đáng khen.
Phần thưởng từ AWS ghi nhận nỗ lực từ các đội thi. Nhưng quan trọng hơn, đợt thi này đã minh chứng cho khả năng học hỏi và nỗ lực, mạnh mẽ và đam mê bất tận của các SV Bách Khoa và SV Việt Nam nói chung, rằng chúng ta có thể hoàn thành tốt và rất tốt mọi tiêu chuẩn của một kì thi toàn cầu, một kỹ sư toàn cầu. Thành tích của các em như một lời mời gọi tới AWS: “Hãy tổ chức AWS Deepracer 2020 tại Việt Nam, chúng tôi không chỉ giành giải mà còn có thể so tài với bất cứ quốc gia nào trên thế giới”